CHÀO MỪNG QUÝ PHỤ HUYNH & HỌC SINH ĐẾN VỚI WEBSITE TRƯỜNG THCS LÝ THƯỜNG KIỆT ***
 
Hình ảnh Điều hành tác nghiệp Email nội bộ
Ngoài giờ lên lớp
  CHÀO CỜ SINH HOẠT CHÀO MỪNG KỶ NIỆM 113 NĂM NGÀY QUỐC TẾ PHỤ NỮ (08/03/1910 - 08/03/2023) TRONG HỌC SINH  

BÀI BÁO CÁO NGOẠI KHÓA KỈ NIỆM NGÀY QUỐC TẾ PHỤ NỮ 8/3

Ở thời nào cũng vậy, vẻ đẹp của người phụ nữ như một hằng số, bất biến ngàn đời. Đó là sự nhẫn nại, cam chịu, là sự thuỷ chung son sắt. Dù bao khổ đau, bất hạnh vẫn không thể vùi lấp được những vẻ đẹp đó. Nó như những viên ngọc thô mà thời gian, những bất hạnh, khổ đau là chất xúc tác mài giũa, càng ngày càng toả sáng.

Hàng năm cứ đến ngày mùng 8 tháng 3 phụ nữ toàn thế giới trong đó có phụ nữ Việt Nam long trọng tổ chức lễ kỉ niệm ngày quốc tế của giới mình.

Ngày mùng 8 tháng 3, đó là cả một câu chuyện lịch sử dài về cuộc đấu tranh giành quyền bình đẳng và hạnh phúc cho phụ nữ của nhiều nhóm phụ nữ trên toàn thế giới. Chính phụ nữ đã làm nên một 8/3 lịch sử.

Hôm nay, BCH công đoàn trường tổ chức báo cáo kỉ niệm 113 năm ngày quốc tế phụ nữ, cũng là dịp để cùng nhau nhìn lại lịch sử của ngày 8/3 và những cống hiến của những người phụ nữ xung quanh chúng ta, qua đó, các em học sinh sẽ hiểu thêm về ngày lễ quan trọng này cũng như sẽ yêu quý hơn những người phụ nữ xung quanh mình.

Kính thưa quý thầy cô cùng các em học sinh thân mến. Chắc hẳn ai trong chúng ta cũng đều biết ngày 8/3 là ngày cả thế giới tôn vinh người phụ nữ. Tuy nhiên, để mỗi năm có một ngày tràn ngập hoa thì đã có không ít máu và nước mắt đổ xuống trong quá khứ.

I. Lịch Sử Ra Đời Ngày Quốc Tế Phụ Nữ 8/3

Lịch sử ngày Quốc tế phụ nữ bắt đầu từ phong trào đấu tranh đòi quyền sống, quyền được công nhận của các nữ công nhân Mỹ tại cuối thế kỷ thứ 19. Thời điểm này tại nước Mỹ, chủ nghĩa tư bản đang cực kỳ phát triển, nền kỹ nghệ phát triển thu hút nhiều trẻ em và phụ nữ vào làm việc trong các nhà máy, xí nghiệp. Bọn chủ tư sản lợi dụng sức lực của trẻ em và phụ nữ, trả lương rẻ mạt làm cho đời sống của trẻ em và phụ nữ cực khổ điêu đứng.

Căm phẩn trước sự áp bức và tàn bạo đó thì ngày 8/3/1899, tại 2 thành phố lớn là Chicago và New York của nước Mỹ đã nổ ra cuộc đấu tranh mạnh mẽ của các nữ công nhân ngành dệt may đòi giảm giờ làm và tăng lương. Mặc dù bị thẳng tay đàn áp, bắt bớ, đuổi ra khỏi nhà máy nhưng các chị em vẫn đoàn kết, bền bỉ đấu tranh đòi bọn chủ tư sản phải nhượng bộ.

Thắng lợi đó đã cổ vũ tinh thần đấu tranh của các chị em phụ nữ lao động nước Mỹ. Đến tháng 2/1909, thì lần đầu tiên phụ nữ khắp nơi trên nước Mỹ đã tổ chức mít tinh, biểu tình rầm rộ đòi quyền bình đẳng cho phụ nữ. Tại New York, đã có 3000 phụ nữ dự cuộc họp phản đổi chính phủ công nhận quyền bầu cử của phụ nữ.

Những cuộc đấu tranh đầu tiên đó của các nữ công nhân Mỹ đã làm tiền đề để có sự cổ vũ to lớn trong các phong trào đấu tranh giai cấp tư sản của tất cả các phụ nữ lao động trên khắp nơi của thế giới.

Trong phong trào đấu tranh lao động lúc bấy giờ đã xuất hiện 2 nữ chiến sĩ cách mạng lỗi lạc đó là bà Clara Zetkin người Đức và bà Rosa Luxemburg người Ba Lan, 2 bà đã cùng vợ của Lênin - bà Nadezhda Krupskaya vận động và thành lập ban thứ ký Quốc tế phụ nữ để lãnh đạo phong trào. Trước sự lớn mạnh của chất lượng và số lượng phong trào của phụ nữ trên toàn thế giới, ngày 26, 27/8 năm 1910, Đại hội lần thứ 2 của những người phụ nữ trên thế giới đã được triệu tập tại Copenhagen thủ đô của Đan Mạch, về dự đại hội có 100 nữ thuộc 17 nước đã quyết định lấy ngày 8/3 làm ngày Quốc tế Phụ nữ với mục đích đấu tranh đòi các quyền lợi của trẻ em và phụ nữ. Ngày làm việc 8 giờ, công việc thì ngang nhau, tiền lương ngang nhau, bảo vệ trẻ em và phụ nữ.

Vì những lý do đó thì cho đến nay ngày 8/3 trở thành ngày hội của phụ nữ trên toàn thế giới. Đoàn kết đấu tranh để tự giải phóng, thực hiện quyền bình đẳng cả nam và nữ, và cũng từ đó phụ nữ tiến bộ khắp thế giới tổ chức ngày 8/3 với nội dung hình thức phong phú.

Không chỉ dừng lại ở quyền bình đẳng, trong nội dung ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3 có thêm khái niệm mới là “phát triển” và “giới”. Vấn đề về những người phụ nữ trên toàn thế giới đã được rất nhiều các Quốc gia nhìn nhận và đánh giá một cách đầy đủ trên nhiều khía cạnh khác nhau thông qua hàng loạt các hội nghị trên toàn thế giới.

Và từ thập niên 70 cho đến nay thì đã có 4 hội nghị thế giới về phụ nữ:

  • Lần thứ nhất tại Mexico năm 1975 mở đầu cho thập kỷ phụ nữ.
  • Lần thứ hai tại Copenhagen – Đan Mạch năm 1980.
  • Lần thứ ba tại Nairobi – Kenya năm 1985 – Tại lần này thì chiến lược “Nhìn về phía trước vì sự tiến bộ của phụ nữ” được thông qua.
  • Lần thứ tư tại thủ đô Bắc Kinh – Trung Quốc năm 1995.

Những hội nghị về phụ nữ trên thế giới mà Liên hiệp quốc đứng ra tổ chức là những sự kiện Quốc tế to lớn đối với đời sống chính trị của toàn thế giới đặc biệt là đối với những người phụ nữ. Và vì lẽ đó vấn đề giải phóng phụ nữ vì sự tiến bộ của phụ nữ là một vấn đề toàn cầu. Mục đích của hội nghị tại Bắc Kinh là nhằm kiểm lại chiến lược đã được đề ra tại hội nghị trước đó và công ước CEDAW của Liên hiệp quốc xóa bỏ hình thức phân biệt đối với phụ nữ.

        Ngày 08 tháng 3 năm 1975, Liên Hiệp Quốc (LHQ) bắt đầu chú ý và tổ chức ngày Quốc tế Phụ nữ. Năm 1975, LHQ đã lấy ngày 08/3 hằng năm làm “Ngày Quốc tế Phụ nữ”. Hai năm sau, LHQ đã thông qua nghị quyết các nước thành viên kỷ niệm ngày 08/3 như là ngày vì quyền bình đẳng, sự tiến bộ của phụ nữ và hòa bình cho thế giới và khuyến nghị các quốc gia thành viên tổ chức ngày hành động, phù hợp với truyền thống lịch sử và văn hóa của họ.

II. Ngày Quốc Tế Phụ Nữ Tại Việt Nam

   Ở nước ta thì ý nghĩa ngày 8/3 còn là ngày kỷ niệm của khởi nghĩa Hai Bà Trưng, 2 vị nữ Anh hùng dân tộc đầu tiên đã đứng lên đánh đuổi giặc ngoại xâm phương Bắc giành được lại chủ quyền dân tộc. Niềm tự hào, ý chí vươn lên của phụ nữ Việt Nam có một phần là từ cội nguồn truyền thống dân tộc độc đáo đó.

    Mùa xuân năm 40 thì Hai Bà Trưng đã đứng lên phất cờ khởi nghĩa và nhận được sự hưởng ứng nhiệt liệt từ các chư Tướng, các chư Hầu cũng như của những người yêu nước tại khắp các Thị, Quận và đông đảo lực lượng là phụ nữ tham gia khởi nghĩa.

Dưới sự ủng hộ đông đảo của các lực lượng, cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng đã được lan rộng khắp nơi. Dưới sự lãnh đạo tài tình của hai bà, cuộc khởi nghĩa đã giành được thắng lợi đập tan chính quyền đô hộ buộc Chính tướng Tô Định phải cải trang trốn về nước.

Sau cuộc khởi nghĩa thắng lợi, Bà Trưng Trắc được nhân dân và các tướng sĩ suy tôn làm Vua, bà lên ngôi và lấy niên hiệu là Trưng Nữ Vương đóng đô tại Mê Linh – Vĩnh Phúc ngày nay.

  Năm 42 thì nhà Hán lại kéo quân sang xâm lược nước ta, Hai Bà Trưng lại một lần nữa đứng lên phất cờ khởi nghĩa đấu tranh bảo vệ chủ quyền, tuy nhiên do chênh lệch về thế lực với địch quá lớn nên cuộc khởi nghĩa chỉ kéo dài được 2 năm thì hai bà đã phải hi sinh anh dũng để bảo vệ chủ quyền dân tộc.

Thắng lợi của cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng được toàn thế giới công nhận và đánh giá là một bản Anh hùng ca thể hiện ý chí, niềm tự hào bất diệt dân tộc. Đồng thời cuộc khởi nghĩa cũng là một minh chứng cho sức mạnh của người phụ nữ Việt trong lịch sử nhân loại, trong lịch sử xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Ngày 8/3/1965, Bác Hồ đã tặng bức trướng thêu tám chữ vàng “Anh hùng – Bất khuất – Trung hậu – Đảm đang” để đánh giá cao cống hiến của phụ nữ Miền Nam và nhà nước đã tặng phụ nữ Miền Nam huân chương lao động hạng nhất.

Và cũng thật đáng tự hào rằng, Việt Nam chúng ta được Liên hiệp quốc đánh giá là Quốc gia có phụ nữ tham gia chính trị cao nhất trên thế giới. Và để tôn vinh những người phụ nữ - một nửa của thế giới, chúng ta thường tổ chức buổi lễ rất trang trọng trong vô vàn những lời chúc tốt đẹp. Ngày này cũng là ngày nam giới thể hiện sự chăm sóc yêu thương cho người phụ nữ mà họ yêu quý.

Thưa quý thầy cô và các em học sinh thân mến !

          Trong 365 ngày thì phụ nữ có riêng một ngày để được cả xã hội quan tâm, ngợi ca và bày tỏ niềm kính trọng. Một ngày dành để tôn vinh những vất vả của người mẹ tảo tần, người vợ đảm đang, những người vun vén dựng xây tổ ấm gia đình, những nữ sinh say mê học tập. Phụ nữ hiện đại không chỉ là người nội trợ trong gia đình mà còn là người lao động kiếm tiền, nhân tố quan trọng góp phần vào sự phát triển của xã hội. Là người gánh vác trách nhiệm sinh nở, cùng nuôi dạy con cái trưởng thành. Họ đang hướng tới hình ảnh thành đạt hơn, đảm đang hơn, tự tin hơn và xinh đẹp hơn. Phụ nữ càng ngày càng có nhiều đóng góp tài năng, trí tuệ, công sức lao động trong nhiều lĩnh vực xã hội và đời sống.

    Ngay tại trường THCS Lý Thường Kiệt chúng ta cũng vậy. Mọi thành tích của nhà trường đều có công sức của các cô giáo và các em HS nữ. Những cô giáo giỏi việc trường, đảm việc nhà làm nền tảng xây dựng mái ấm gia đình. Những nữ sinh chăm ngoan, học giỏi, những hoa điểm 10, giờ học tốt, kết quả học sinh giỏi, lên lớp, tốt nghiệp và vào cấp ba, vào trường chuyên đều có công sức của các em nữ sinh. Chính các cô và các em đã làm rạng danh cho trang sử truyền thống nhà trường.

Tóm lại, không ai có thể phủ nhận được vai trò và trách nhiệm của người phụ nữ trong thời hiện đại, họ đang dần khẳng định mình là “phái đẹp” chứ không phải là “phái yếu” như trước kia nữa. Cuối cùng tôi xin chúc quý thầy cô và các em mạnh khỏe, hạnh phúc. Chúc các cô giáo và các em HS nữ mãi mãi

                                        “Rực rỡ sắc xuân và chan hòa nắng đỏ

                                          Nắng cho đời và cả nắng cho thơ”.

                 Xin trân trọng cảm ơn!

KẾ HOẠCH CÔNG TÁC THÁNG 16 NĂM HỌC 2023 - 2024
KẾ HOẠCH CÔNG TÁC THÁNG 15 NĂM HỌC 2023 - 2024
KẾ HOẠCH CÔNG TÁC TUẦN 14 NĂM HỌC 2023 - 2024
KẾ HOẠCH CÔNG TÁC THÁNG 10 NĂM HỌC 2023 - 2024
KẾ HOẠCH CÔNG TÁC THÁNG 11 NĂM HỌC 2023 - 2024